Đàn ông có luôn cần được ưu ái?

Vì sao đàn ông vụng về? Vô tâm? Ích kỷ? Không có ý thức phụ giúp việc nhà? Coi bình đẳng giới là xa xỉ?

Cuối tuần rồi, tôi ra một quán sân vườn gần nhà và gặp một cảnh tượng có lẽ khá phổ biến: một cặp, căn cứ vào thái độ chắc là già nhân ngãi non vợ chồng, đang ngồi uống cà phê. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như người phụ nữ không ngồi như “đổ” hẳn sang phía người đàn ông. Anh này không trẻ, cũng chẳng phải mẫu người lịch lãm, sang trọng gì, nhưng thái độ khá thờ ơ trước sự “lụy” không giấu giếm của nàng…

Ngôn ngữ cơ thể nói lên rất nhiều điều. Nó cho biết, bạn phụ thuộc, bạn tôn sùng, bạn e sợ, bạn nhún nhường, bạn… chiếu dưới, bạn sợ mất người đàn ông ấy chứ không phải ngược lại, nên mới ngồi nghiêng hẳn sang phía hắn, mặc cho người kia thản nhiên ngó thẳng, hoặc tệ hơn, trong tư thế gần như muốn quay đi hướng khác. Có lẽ nhiều người không kiểm soát được việc mình đã chồm về hướng đối tác quá nhiều, hay ngả lưng ngửa ra sau, sang trái phải gì đấy trong vô thức. Nhưng là phụ nữ, chắc chắn bạn cần cẩn trọng, đừng để xảy ra tình huống “không cần dìm mà hàng vẫn tự chìm” trước mắt thiên hạ như vậy.



Vì đâu nên nỗi? Là thói quen trò chuyện, sinh hoạt kiểu ban phát mà ông kia dành cho chị nọ đã vào nếp? Tôi thật không tin. Trong cái buổi chiều dở hơi ấy, tôi ngồi quan sát “đôi tình nhân”, lòng không khỏi ái ngại xen lẫn bất nhẫn. Thậm chí khó chịu. Người đàn ông kia dựa vào cái gì mà cứ như ông hoàng với người tình như thế? Chị kia vì sao mà phải nhún nhường đu theo ông ta đến mức đó? Vô lý quá! Rồi tôi chợt nhận ra, họ vô lý còn mình thì… vô duyên, chuyện của người ta sao cứ lăn tăn.

Chợt nhớ một lần, trong một quán cà phê máy lạnh có ghế nệm êm ru, anh trai sồn sồn nằm dài thư giãn, được một cô gái khoảng ngoài hai mươi hồn nhiên đút cho từng muỗng cháo, cứ như thể đấy là chốn khuê phòng của họ. Thấy có người nhìn, cô gái càng “diễn” say sưa, miệng liên tục càm ràm anh hư lắm nhé, chẳng biết giữ sức khỏe gì hết, bệnh rồi đó anh thấy hông… Việc đàn bà cam tâm và hạnh phúc “đút” tận miệng đàn ông như thế, chắc chẳng hiếm gặp.

Thậm chí, tôi từng chứng kiến những tay đầu đã có vài sợi bạc, vẫn được “hồng nhan tri kỷ” chăm sóc từng ly từng tí như trẻ nhỏ, trước mặt khách khứa hoặc nơi công cộng. Chồng vừa chạm đũa vào con cá, vợ đã vội bảo, để đó em gỡ phần nạc ra cho, anh ăn phải cẩn thận kẻo mắc xương. Chồng vừa định đứng lên lấy chút nước lẩu, vợ đã vội giành lấy, hì hụi chan chan múc múc… Chuyện nhỏ thôi, mà có khi gây khó xử hoặc mất mặt bầu cua cả hai chứ chẳng đùa.

Ở cơ quan, tôi cũng gặp cảnh nhiều chị em đồng nghiệp hồ hởi đứng dậy bưng ly lên cụng khi đang ngồi trong bàn tiệc mà có sếp nam tiến đến chào hỏi. Vì một người đàn ông mà cả bàn toàn phụ nữ phải trân mình đứng đó, chờ những lời chúc tụng sáo rỗng “dô trăm phần trăm” qua hết, mới dám rón rén ngồi lại. Thêm cái màn gắp đồ ăn cho sếp, luôn phải để ý tiếp mồi vào tận chén cho mấy anh… cũng đủ khiến cho người có chút hiểu biết cảm thấy phản cảm.

Đành rằng phụ nữ luôn coi ngó, chăm chút trước sau, ngay cả khi ăn uống tiệc tùng, nhưng đâu nhất thiết phải phô bày thiên chức ấy ở bất cứ nơi nào như vậy. Một lần đi công tác, tôi thấy có chị nhân viên tuy nhỏ con nhưng vẫn khăng khăng giành… xách đồ cho sếp nam, với lý lẽ thật đáng cho phái mạnh khâm phục, là “ai lại để anh ấy đàn ông mà tay xách nách mang, coi sao được”!

Vì sao đàn ông vụng về? Vô tâm? Ích kỷ? Không có ý thức phụ giúp việc nhà? Coi bình đẳng giới là xa xỉ? Chẳng thèm mó tay vào “việc của đàn bà”? Nếu đổ lỗi là do các bà mẹ, bà vợ “giáo dục” nên, theo những kiểu vừa kể trên, thì có quá lời? Đành rằng đàn bà sinh ra… đàn ông, nhưng không phải trường hợp nào chúng tôi cũng là… con của quý bà! Các bà đừng vô thức biến nam giới thành những đứa trẻ to xác vụng dại, ỷ lại. Được chăm chút quan tâm ai mà chẳng khoái, nhưng chị em đôi khi cứ thích làm quá, thật là…

Theo Phụ nữ Online

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao