Hai lít máu ồ ạt chảy từ miệng

Đang ngồi xe về Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Lợi đột nhiên chảy máu dữ dội như vòi nước từ trong miệng.

Ngày 4/6, tình trạng sức khỏe em Trần Văn Lợi (18 tuổi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã ổn định, có thể xuất viện trong một tuần nữa. Các bác sĩ đã mổ lấy khối u, cắt một nửa xương hàm dưới, tháo cả lồi cầu. Khoảng 6 tháng đến 1 năm nữa, cậu sẽ được phẫu thuật tạo hình lại. Ước tính cậu đã mất khoảng 2 lít máu, bằng gần một nửa lượng máu trung bình của cơ thể chỉ trong thời gian ngắn.

Theo lời kể của chị Giang, mẹ Lợi thì cách đây một năm chị thấy má bên phải con tự dưng sưng phồng lên. Gần đây, thi thoảng chân răng lại rỉ máu. Nhưng vì cố cho con thi xong hết lớp 11 nên gần đây chị mới đưa đến bệnh viện huyện khám. Các bác sĩ nghi cháu bị u nên chuyển lên bệnh viện tỉnh, sau đó lại ra Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội). Tại đây, con chị được chẩn đoán bị u máu trong xương và được chỉ định phẫu thuật, trước đó phải sang Bệnh viện Bạch Mai để nút mạch.

"Hôm đó, đang trên xe taxi từ Bệnh viện Bạch Mai về lại Bệnh viện Răng Hàm Mặt thì tự dưng cháu chảy máu ồ ạt trong miệng. Hoảng quá, tôi chỉ kịp lấy cái khăn nhét vào miệng con với hy vọng máu đỡ chảy và giục chú lái xe đi nhanh hết mức có thể", chị Giang kể lại.


Sau này khi ổn định, Lợi sẽ được phẫu thuật tạo hình tiếp.

Tiến sĩ Lê Ngọc Tuyến, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương - người trực tiếp mổ cho Lợi cho biết, bệnh nhân được sơ cứu để ngăn máu chảy, đồng thời khai thông đường thở, sau đó phẫu thuật cắt u. Đây là một trường hợp khó vì mổ trong tình trạng cấp cứu, chưa kịp nút mạch để hạn chế việc chảy máu.​

Ca phẫu thuật kéo dài gần 4 giờ, có sự tham gia của tiến sĩ Nguyễn Quang Bình, Trưởng khoa gây mê hồi sức. Bệnh nhân bị u máu trong xương, thể thông động tĩnh mạch là thể nguy hiểm nhất, đe dọa tính mạng.

"Khó khăn nhất trong ca mổ là vấn đề chảy máu. Máu chảy ra bên ngoài thì đơn giản, dùng tay, gạc ép vào. Nhưng máu chảy trong miệng bệnh nhân sợ, gây choáng, xỉu, nếu máu sặc vào đường thở có thể làm ngừng thở, gây nguy hiểm tính mạng", tiến sĩ Tuyến nói.

Bên cạnh đó, khối u máu thường không gây đau, dù phát triển sớm ngay sau sinh, 90% u máu phát hiện lúc trẻ 3 tuổi. Trong đó thể đặc biệt như Lợi thường được phát hiện lúc gần 20 tuổi, biểu hiện lâm sàng rõ rệt. Bệnh nhân bị chảy máu, phồng bên má, răng có dấu hiệu lung lay, đi chụp phim mới biết bị u máu. Việc phát hiện bệnh ban đầu khó vì u nằm sâu trong xương hàm, tổ chức vùng hàm mặt... Đến khi phá ra bên ngoài thì tình trạng tương đối nặng nề, hậu quả gây chảy máu, tiến sĩ Tuyến nói.

Theo bác sĩ, u máu đa phần là lành tính, chỉ can thiệp khi quá lớn, nguy hiểm đến tính mạng hoặc do vấn đề thẩm mỹ, tỷ lệ tái phát rất ít. Ước tính có khoảng 1/200 trẻ sinh ra bị, trong đó 50% xuất hiện ở vùng đầu mặt cổ.

Bệnh có nhiều dấu hiệu, thể nhẹ có thể chỉ là các vết bớt. Bệnh nhân có thể chung sống suốt đời với nó. Trong đó với thể thông động tĩnh mạch, phần mềm thường sưng phồng hơn so với những vùng khác như một bên má hoặc vùng trong miệng gần khối u phồng lên. Người bệnh thường nghe thấy tiếng thổi, tiếng rít của mạch máu phun. Khi sờ tay vào vùng khối u có cảm giác nóng hơn các vùng khác, mạch máu dưới da nổi lên to ngoằn nghèo...

Theo VnExpress

Tin tức mới nhất