Gia cảnh khó khăn của thiếu niên sát hại bé bán vé số

Gia đình Nam nghèo, đông anh em, cha mất một năm trước. Thiếu niên này sau đó nghỉ học, bán vé số kiếm tiền nuôi mẹ bệnh.

Bé trai bán vé số Phùng Minh Tấn (12 tuổi) chết dưới ao nước gần đường Nam Sông Hậu đã xảy ra nửa năm, nhưng người dân Sóc Trăng vẫn thường nhắc đến. Nhiều người cho rằng, hung thủ ra tay quá tàn độc khi đẩy nạn nhân ngã xuống ao, rồi ném đá đến chết trước khi cướp sạch tiền với vé số của Tấn.

Có mặt tại phiên tòa sơ thẩm do TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử Nam, người dân thị xã ven biển Vĩnh Châu mới biết, trước khi hai bên xô xát, bị cáo không có ý định giết Tấn để cướp tài sản.

Án mạng bắt nguồn từ bị hại

Theo hồ sơ tố tụng, ngày 9/10/2014, Danh Quốc Nam (14 tuổi, ngụ phường 1, thị xã Vĩnh Châu) chạy xe đạp, chở người họ hàng là Danh Hoàng Hào (11 tuổi) đi bán vé số. Đến khoảng 10h30 cùng ngày, cả hai gặp Tấn đang chơi trong khu vực bơm cát của công trình Chi cục Thuế thị xã Vĩnh Châu.

Nam dừng xe, hỏi Tấn đã bán được bao nhiêu tờ vé số, Tấn trả lời "được mười mấy tờ". Hỏi chuyện xong, Nam qua bên kia đường dựng xe, cùng Hào vào khu vực có nhiều cây cỏ, cách đường Nam Sông Hậu khoảng 50 m để đi vệ sinh.

1
Hiện trường xảy ra xô xát giữa Nam và Tấn. 

Lúc này, Tấn cũng qua đường, đi vào lùm cây và thấy hai đồng nghiệp đang đại tiện. Bị Tấn ném đá, Nam và Hào chạy ra mé ao để trốn. Thấy Tấn tiếp tục ném theo, Nam xoay người tránh đá nên đụng Hào, khiến bé trai này rơi xuống nước.

Khi Nam nhảy xuống ao kéo Hào lên thì vé số và quần áo bị ướt. Thấy vậy, Tấn không giúp đồng nghiệp mà còn chửi tên cha của Nam.

"Tấn cởi đôi dép và túi đựng vé số để qua một bên, rồi lấy cục bê tông chạy đến đánh trúng vào bụng Nam, làm Nam té xuống đất. Bị Tấn đánh, Nam lượm cục bê tông gần đó đánh vào sườn Tấn 2 cái. Trong lúc Nam đánh Tấn, Tấn lùi lại tránh Nam thì té xuống ao. Nam dùng cục bê tông ném trúng đầu Tấn, Tấn gục mặt xuống nước rồi chìm từ từ", cáo trạng nêu.

Trước khi cùng Hào rời hiện trường, Nam mở ví của Tấn lấy 60.000 đồng và 12 tờ vé số. Về đến nhà, cả hai phơi vé số của Nam bị ướt, rồi đi bán tiếp. 12 tờ vé số của nạn nhân được Nam cất trong phòng ngủ.

Theo Nam, lý do không bán những tờ vé số của Tấn vì sợ các đồng nghiệp khác phát hiện. Nguyên nhân không kéo Tấn lên bờ, Nam nói: "Tưởng nó giả bộ".

Bi kịch của hai gia đình nghèo

Trưa ngày xảy ra án mạng, ông Phùng Hải Toàn (58 tuổi, ở gần cầu Giồng Vú, thị xã Vĩnh Châu) điện thoại cho Tấn, vì không thấy cháu nội về nhà đúng 11h như mọi khi. Nhiều lần gọi điện không được, ông Toàn nhờ người thân chở ra gần công trình xây dựng chi cục thuế, nhưng không thấy Tấn đâu.

"Trước đó 15 phút, tôi gọi điện cho Tấn, nó nói đang ở gần chốt đèn giao thông trên đường Nam Sông Hậu, bán thêm vài tờ vé số rồi về, nhưng sau đó không liên lạc được. Tìm không gặp cháu, tôi báo công an và gọi điện cho cha của Tấn đang làm thuê ở Sài Gòn", ông Toàn kể.

Theo anh Phùng Sáng Dũng (cha Tấn), lúc đầu nghi mẹ Tấn bắt cóc con. Người cha còn đặt ra trường hợp, Tấn đi lạc đường xuống Bạc Liêu hoặc bị ai đó gây mê lấy hết tiền, nên cậu bé không dám về nhà.

"Đến Bạc Liêu tìm không thấy Tấn, chiều 11/10/2014, tôi định qua Trà Vinh để gặp vợ cũ hỏi cho ra chuyện, thì công an địa phương kêu đi nhận dạng xác chết. Khi vào lùm cây, nhìn thấy thi thể bé trai, tôi nhận ra con mình”, anh Dũng nhớ lại.

Nhà nghèo, anh Dũng lên Sài Gòn làm thuê, gặp vợ quê Trà Vinh nhưng hai người sớm ly hôn khi Tấn còn rất nhỏ. Cậu bé sau đó được cha đưa về quê Vĩnh Châu gửi nội nuôi, học trễ hơn các bạn cùng lứa một lớp vì sức khỏe yếu.

Lúc cháu nội về ở cùng, ông Toàn vay tiền của quỹ tín dụng để nuôi tôm nhưng thua lỗ, nợ 60 triệu đồng đến nay chưa trả được. Biết nội khó khăn, Tấn đi bán vé số một buổi để kiếm tiền giúp ông Toàn trả lãi hàng tháng.

"Tôi bệnh tật ốm yếu, hỏng một mắt. Tội cho đứa cháu nội có hiếu, đi bán vé số kiếm tiền lời hơn 50.000 đồng/ngày để giúp tôi", ông Toàn khóc khi kể về Tấn.

3
Bà Ken cho biết, nếu bán được nhà mới có tiền khắc phục hậu quả cho Nam.

Gia đình bị cáo cũng nghèo, đông anh em. Cha Nam mất một năm trước, thiếu niên này sau đó nghỉ học, bán vé số kiếm tiền nuôi mẹ bệnh.

"Từ khi Nam bị bắt, tôi đi lột tỏi thuê mỗi ngày được khoảng 30.000 đồng, đủ mua thuốc uống và cho đứa con 11 tuổi đi học. Tổng số tiền bồi thường tòa tuyên trên 50 triệu đồng là quá lớn đối với tôi. Không cách nào có được số tiền này, nên tôi đang kêu bán nhà để khắc phục hậu quả do con gây ra", mẹ Nam - bà Ong Thị Ken nói.

Ngày 20/4, đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng đề nghị mức án đối với Nam, từ 10-12 năm tù. Sau nửa giờ nghị án, HĐXX sơ thẩm của TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên Nam 6 năm tù vì tội Giết người, tội Cướp tài tài sản bị cáo lĩnh 1 năm 6 tháng tù. Tổng hình phạt Nam nhận là 7 năm 6 tháng tù.

"Lúc mới ra tòa, con nghĩ mình lĩnh ít nhất cũng 15 năm tù. Con cố gắng cải tạo tốt để sớm về nhà, bán vé số nuôi mẹ", Nam nói.

Chiều 11/10/2014, một người đi câu phát hiện thi thể của Tấn nằm úp mặt dưới mé nước, trong ao gần đường Nam Sông Hậu (phường 1, thị xã Vĩnh Châu). Trong lúc cơ quan điều tra truy tìm những người có liên quan đến cái chết của bé trai này, bà Ken đã dẫn Nam đến công an sở tại đầu thú.

"Tôi thấy Nam có những cử chỉ bất thường lúc nó mua gạo nấu cơm. Tôi hỏi có biết chuyện bé Tấn chết hay không, nó nói 'con có đánh nhau với Tấn'. Nghe đến đây tôi bủn rủn tay chân, hỏi con đánh nhau chỗ nào, nó nói chỗ Tấn chết", bà Ken kể.

Theo Tri thức

Tin tức mới nhất