Nguyên tắc sống còn khi bị tạt axit

Bỏng axit rất nghiêm trọng, phải được cấp cứu và điều trị tại bệnh viện. Đặc biệt, chúng ta cần lưu ý khâu sơ cứu để giúp nạn nhân hạn chế rủi ro.

Càng để lâu, hậu quả càng nặng

PGS.TS Nguyễn Văn Huệ, Nguyên Viện phó Viện Bỏng quốc gia, cho biết axit là chất oxy hóa nguy hiểm gây tác động ngay lập tức và gây ra những biến chứng lâu dài đối với cơ thể nạn nhân.

Tùy từng loại axit, vị trí tiếp xúc, có thể chia ra nhiều cấp độ bỏng. Tuy nhiên, khi đã vô tình đụng phải axit, chúng đều gây ra tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và để lại những di chứng không chỉ trên cơ thể mà còn về tâm lý cho nạn nhân.

Theo ông Huệ sở dĩ axit có thể tàn phá cơ thể là do có thể phản ứng với các protein trên cơ thể (có trong tóc, móng chân, móng tay, da…). Khi tiếp xúc với da, axit làm đông vón các protein của mô và hút nước của tế bào.

Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với axit, nếu càng lâu, vết bỏng và tình trạng hoại tử càng sâu và mức độ phục hồi sẽ khó khăn hơn.

Tùy từng vị trí bị bỏng, sẽ có các mức độ tổn hại khác nhau. Nếu bị tạt axit đậm đặc vào phần đầu, có thể gây ăn mòn và phá hủy một phần hộp sọ, tóc và phần da đầu này cũng không bao giờ được tái tạo.

Đặc trưng của axit đậm đặc, nhất là axit sunfuric rất háo nước. Khi tiếp xúc với cơ thể, chúng sẽ nhanh chóng hút nước của sụn, ngưng kết lõi protein bên trong mà phá hủy sụn hoàn toàn. Do đó, những bộ phận chứa nhiều sụn như tai, mũi, tiếp xúc với axit có thể khiến nạn nhân bị điếc, mũi biến dạng, bị bịt kín.

Nếu bị axit bắn vào miệng, nạn nhân có thể mất hoàn toàn đôi môi, việc ăn uống trở nên rất khó khăn. Nguy hiểm nhất là khi bắn trực tiếp vào mắt, người bệnh có thể bị mù lòa.

Trường hợp uống trực tiếp hoặc hít phải hơi axit đạm đặc, nạn nhân sẽ cảm thấy khó thở, phù nề, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

Chỉ nên dùng nước sạch sơ cứu

PGS.TS Huệ khuyến cáo, bỏng axit đa phần là bỏng sâu, phải được cấp cứu và điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên khâu sơ cứu khi bị bỏng axit rất quan trọng, có thể giúp hạn chế rủi ro thấp nhất cho nạn nhân.

Theo đó, việc duy nhất nên làm trước khi đưa nạn nhân đến bệnh viện là dùng nước sạch rửa vào vùng bị tạt axit.

“Axit có tính tàn phá rất mạnh trong cơ thể và có tác dụng ngay lập tức. Do đó, chúng ta phải sơ cứu cho axit trôi đi nhanh nhất có thể bằng các loại nước, thậm chí dưới ao, sông, hồ. Mặc dù nước có thể bẩn nhưng vẫn rất tốt trong quá trình sơ cứu”, ông Huệ nói.

Trong qua trình rửa bằng nước, chúng ta không kỳ cọ, chà sát da, để nguyên quần áo. Xả nước như vòi hoa sen là tốt nhất, khoảng 5 phút, axit sẽ hút nước đó, hạn chế tác hại trên da.

“Khi sơ cứu, người ta có thể dùng các dung dịch kiềm nhẹ để trung hòa như nước vôi trong rửa vết bỏng. Tuy nhiên trong trường hợp này, dùng nước sạch rửa vẫn là phương pháp tối ưu hơn”, PGS.TS Huệ nói thêm.

Trong trường hợp uống phải axit, ông Huệ khuyên nên uống ngay lòng trắng trứng gà sau đó chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được uống dung dịch trung hòa, bởi có thể gây chướng khí làm giãn dạ dày cấp hoặc có thể thủng dạ dày và ống tiêu hoá. Không nên đặt thông vào dạ dày để rửa vì có thể làm thủng dạ dày.

Khi bị axit bắn trúng vào mắt, cần nhanh chóng nhất có thể dùng nước đun sôi để nguội rửa. Nếu không kịp thời rửa, nạn nhân có thể sẽ bị mù vĩnh viễn.

Theo Tri thức

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao